Ponzi và cây đèn thần

Bắt đầu từ cụ Ponzi và trò lừa kinh điển Ponzi Scheme:

Hồi xưa, khi gửi thư quốc tế, nếu muốn sành điệu thì có thể gửi kèm một cái voucher cho phép người nhận gửi thư theo chiều ngược lại miễn phí. Charles Ponzi, một người Ý nhập cư vào Mỹ nhận thấy có một cơ hội kiếm lợi cực hay: Đó là mua voucher này ở nước ngoài rồi đem về Mỹ bán vì voucher này ở Mỹ đắt hơn các nơi khác. Vì cụ Ponzi không có tiền nên cụ gọi vốn đầu tư với cam kết tỷ suất sinh lợi là 50% trong khoảng từ 45 tới 90 ngày. Về lý thuyết, đây là một ý tưởng không tồi.

Thế nhưng đến khi thực hiện thì hóa ra mọi thứ không đơn giản như lý thuyết, thời gian vận chuyển dài, các loại phí không ngờ tới phát sinh, và tin xấu là lãi không hề ngon lành như cụ Ponzi dự kiến. Điều tệ hơn là các nhà đầu tư nghe tin nên đổ tới khá đông, và đây là lúc sáng kiến ra đời. Lãi suất cao như vậy, nhưng tiền không kiếm được nên cụ Ponzi lấy tiền của người sau để trả lãi cho những người trước. Một phần tiền của người sau dùng trả lãi, phần còn lại cụ Ponzi hưởng, những người đầu nhận đầy đủ tiền và rất phẩn khởi làm anh em tiếp tục đến rất đông nên cụ rất no ấm. Tuy nhiên, đen cho Ponzi một cái là vài tháng sau anh em bắt đầu nghi ngờ khi tổng số voucher đã được cụ giao dịch là tầm 160 triệu, trong khi tổng số voucher vào thời đó của toàn thế giới chỉ có 27,000. Và thế là câu chuyện chấm dứt trong buồn bã.

Nguyên tắc phát hiện trò lừa Ponzi:

Cứ ông nào bảo mày làm cái này đi, hay lắm, chưa từng có, lãi suất cao khủng khiếp, kiếm tiền dễ hơn ăn cháo, được tạo ra bởi một thiên tài, và rất nhiều người xung quanh đã và đang chiến thắng thì gần như chắc chắn ông này đang dính vào Ponzi, vì:

  • Muốn sinh lãi khủng thì thằng cung cấp dịch vụ phải có lãi khủng hơn, hoặc nó phải lấy của người sau để trả cho người trước. Nếu có thứ gì thu lãi kinh khủng đến vậy thì chả có thằng nào dở người để chia sẻ cho mấy ông ất ơ không quen biết như mình!

  • Nó chưa từng có vì nếu nó có rồi thì người ta biết tỏng nó lừa đảo thế nào rồi còn gì.

  • Nếu nó được tạo ra bởi thiên tài thì có xác suất rất nhỏ, giống kiểu Vietlott ấy, là có thiên tài đó tồn tại và thiên tài đó quá tử tế với loài người, và nếu bạn thắng trò chơi này thì bạn được đeo mặt nạ!

  • Cuối cùng là rất nhiều người đang thắng, cái này ĐÚNG nhé, vì bản chất của Ponzi là early bird catches prey.

Đến cây đèn thần:

Nếu muốn tham gia vào mạng lưới các thần đèn ở Việt Nam thì có thể xem xét trường hợp Myaladdinz. Cây đèn này hoạt động na ná thế này:

  • Nạp tiền thật vào để đổi thành Gem (đơn vị tiền tệ của app).

  • Dùng Gem mua đồ, hoặc để nguyên đấy dưới dạng Gem.

  • Nếu mua đồ, thì 80% giá trị mua hàng sẽ được hoàn lại dưới dạng Point, và point có thể dùng để đổi ra Gem.

  • Nếu không mua đồ thì có thể dùng Gem để sinh lãi với lãi suất lên tới 0.2%/ngày.

  • Ngoài ra có thể chơi trò đa cấp, mời người khác vào để ăn % của cấp dưới. Vụ này thì lằng nhằng lắm, nhưng đại loại là mời càng nhiều chân rết thì ăn càng đậm, giống các đa cấp khác.

Dài dòng như vậy, nhưng cơ bản là có 3 cơ chế: Mua đồ rồi đợi hoàn gem, Mua gem rồi đợi hoàn gem, và đa cấp. Bỏ qua cái thứ 3 thì 2 cái đầu tương tự nhau, đó là đợi hoàn gem với lãi suất rất khủng: 0.2%/ngày, tính ra như vậy là 6%/tháng.

Thế Ponzi và đèn thần liên quan gì nhau:

  • Thứ nhất là ta có thể mua đồ, vẫn có đồ và đợi hoàn gem, được nhé, và đợi lâu lâu 1 tí thôi. Đây là điểm sáng tạo của hệ thống này, vì nó là cái cớ rất hay để những người ủng hộ thần đèn lập luận "mua hàng vẫn có đồ về xài mà lại còn được hoàn tiền, mất gì đâu nhỉ, ờ!"

  • Thứ hai là ta có thể vuốt đèn lấy lãi, được luôn nhé, lãi rất cao là khác.

  • Thứ ba là ta có thể giới thiệu đa cấp, cũng được luôn nhé.

Chỉ là:

  • Đã dính vào trò này, chả ai chỉ đi mua/bán hàng và đợi hoàn gem một cách vô cùng từ tốn cả, sẽ tìm các cách khác để sinh lợi nhanh, và mê hoặc nhất là tỷ suất sinh lợi siêu cao, nên bà con sẽ tiếp tục nạp tiền thật vào để đổi thành gem. Bên phát hành chắc chắn sẽ tung các loại bánh vẽ về gem như kiểu cứ giữ gem đi, giữ nhiều gem vào, rồi tương lai bạn sẽ giàu lắm đó để hút thêm tiền mặt vào thành gem.

  • GEM: Cái mà ta được hoàn là point, từ từ sẽ đổi thành gem, lãi ta nhận cũng là gem, và luôn chỉ là gem. Gem không phải là VND. Trừ khi ta dùng gem đó để đi mua món khác và đem về nhà thì nó là của mình, còn không thì nó vẫn là gem, hệ thống sập thì bao nhiêu gem cũng thế cả.

  • Bùm, hệ thống nổ và tất cả gem thành mây khói.

Cho đến giờ, tất cả những điều này CHƯA diễn ra nên ta không thể kết luận là ông đèn thần này thật hay ảo, cứ mơ mộng đi, bạn vẫn có 2 kịch bản để chiến thắng: 1 là bạn đủ tỉnh táo để rơi vào tỷ lệ rất ít những early bird, và 2 là bạn may mắn gặp được 1 ông thần đèn thật.


Mình thì không, vốn xưa giờ mình không đủ tỉnh táo và chả đủ may mắn.