Tại sao lại gọi là ngân hàng "ẩn"?
Khi dịch quyển Mishkin, gặp phải từ "Shadow banking", tôi đã lăn tăn mãi vì có quá nhiều cách dịch khác nhau, và cuối cùng tôi chọn thuật ngữ ngân hàng "ẩn" mà không phải là "Bóng tối" hay "ngầm" hay "vô hình".
Có một bài viết khá hay về ngân hàng ẩn, tôi lược dịch một phần ở dưới, những chỗ trong ngoặc đơn là comment thêm. Bài viết này có thể cung cấp một cái nhìn khá đơn giản về shadow banking, những vấn đề của nó, và một phần lý do tôi muốn chọn từ "ẩn" như là cách chuyển ngữ của từ gốc "shadow".
Nguồn: What is shadow banking, trong chuỗi Back to Basics của F&D Magazine,
truy cập tại: Bài gốc của IMF F&D
Ngân hàng ẩn là gì?
Laura E. Kodres
Nhiều định chế tài chính hoạt động như ngân hàng nhưng không chịu sự giám sát (chặt chẽ dã man) như ngân hàng
Nếu có con gì trông giống một con vịt, kêu quạc quạc như một con vịt và chạy lạch bạch như một con vịt, thì đó là một con vịt—hay người ta vẫn nói như vậy. Nhưng còn một tổ chức tài chính nào đó trông giống ngân hàng và hoạt động như ngân hàng thì sao? Thường thì nó không phải là một ngân hàng—nó là một ngân hàng ẩn (shadow bank).
Trên thực tế, ngân hàng ẩn tượng trưng cho một trong nhiều vấn đề của hệ thống tài chính dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu. Thuật ngữ “ngân hàng ẩn” được nhà kinh tế học Paul McCulley đưa ra trong một bài phát biểu năm 2007. Trong bài nói chuyện của McCulley, ngân hàng ẩn hướng tới các chủ thể ở Hoa Kỳ và chủ yếu là để chỉ nhóm các định chế tài chính phi ngân hàng tham gia vào chức năng chuyển đổi kỳ hạn (maturity transformation).
Các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi kỳ hạn khi họ sử dụng các khoản tiền gửi, thường là ngắn hạn, để tài trợ cho các khoản vay dài hạn hơn (khi chuyển đổi kỳ hạn, các NH truyền thống giúp người gửi tiền có thể gửi các khoản tiền tiết kiệm ngắn hạn của mình và chuyển nó thành các khoản quỹ dài hạn để những người đi vay có thể tiếp cận, nếu không thì sẽ xảy ra câu chuyện ông đi vay chỉ đòi vay to và dài còn ông cho vay chỉ thích offer những thứ ngắn và bé). Ngân hàng ẩn cũng làm điều tương tự. Họ huy động các quỹ ngắn hạn trên thị trường tiền tệ và sử dụng các quỹ đó để mua các tài sản có kỳ hạn dài hơn. Nhưng vì họ không phải tuân thủ hệ thống quy định của ngân hàng truyền thống, nên họ không thể vay (với mục tiêu cầu cứu) trong trường hợp khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang, và không thể cung cấp một sự bảo đảm dưới dạng bảo hiểm tiền gửi; họ đang “ẩn trong bóng tối”.
Cho vay thế chấp bất động sản
Các ngân hàng ẩn lần đầu tiên lộ diện trước công chúng trong việc biến các khoản vay thế chấp bất động sản thành chứng khoán. “Chuỗi chứng khoán hóa-securitization chain” bắt đầu bằng việc tạo ra một khoản vay thế chấp (mortgage-đi vay để mua nhà và dùng chính cái nhà sẽ mua để làm vật thế chấp, tiết mục này có nhiều cái thú vị nhưng để bài khác), sau đó khoản mortgage này được nhào nặn, đóng gói cho đến khi nó trở thành một phần của các tài sản đảm bảo cho một loại chứng khoán khác được bán cho các nhà đầu tư. Giá trị của chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp đó có sự liên kết với giá trị của các khoản vay thế chấp trong gói, và tiền lãi của chứng khoán mới được trả từ tiền lãi và tiền gốc mà những người mua nhà đã trả cho các khoản vay thế chấp của họ. Hầu như mọi bước từ khởi tạo khoản vay thế chấp đến bán chứng khoán (đảm bảo bằng thế chấp) đều diễn ra ngoài tầm quan sát trực tiếp của các cơ quan quản lý (một lần nữa, chúng ta thấy hệ thống này bị ẩn đi khỏi tầm giám sát).
Ủy ban ổn định tài chính (FSB), đã phát triển một định nghĩa rộng hơn về ngân hàng ẩn: Bao gồm tất cả các thực thể không nằm trong hệ thống ngân hàng được quản lý (tức là không phải các ngân hàng chính thống) mà vẫn thực hiện chức năng cốt lõi trung gian tín dụng của ngân hàng (nghĩa là huy động tiền gửi tiết kiệm và cho vay). Theo định nghĩa này, các ngân hàng ẩn sẽ bao gồm cả các brokers, dealers, MMF, công ty tài chính.
Tại sao lại có vấn đề với những ngân hàng ẩn
Miễn là các nhà đầu tư hiểu những gì đang diễn ra và các hoạt động như vậy không gây rủi ro quá mức cho hệ thống tài chính, thì không có gì mờ ám ở đây. Tuy nhiên, các vấn đề đã nảy sinh trong Đại suy thoái, khi nhiều nhà đầu tư (đứng trước tình hình có quá nhiều rủi ro, cảm thấy sợ hãi cho sự an toàn của chính mình) quyết định rút tiền về ngay lập tức. Để trả nợ cho những nhà đầu tư này, các ngân hàng ẩn đã phải “bán tháo -fire sale” tài sản. Những vụ bán tháo này làm giảm giá trị của những tài sản bị bán, khiến phản ứng dây chuyền tiếp theo là các ngân hàng ẩn khác và kể cả các NH truyền thống nắm giữ tài sản tương tự cũng phải giảm giá trị sổ sách của những tài sản đó, làm tình hình càng thêm tồi tệ. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, rất nhiều nhà đầu tư đã rút tiền hoặc không tái đầu tư nữa (không phải là rút mà là dừng lại không tiếp tục đầu tư mới khi khoản cũ đáo hạn) khiến nhiều định chế tài chính rơi vào khó khăn nghiêm trọng.
Nếu điều này diễn ra bên ngoài hệ thống ngân hàng, chỉ cần cô lập khoanh vùng và đóng cửa mấy định chế đó đi là xong. Nhưng vấn đề là các ngân hàng thực sự cũng chìm trong hệ thống bóng mờ này. Một số ngân hàng ẩn do các ngân hàng thương mại kiểm soát, trong những trường hợp khác, các mối quan hệ liên kết này đã được đẩy ra đủ xa, nhưng bởi vì các ngân hàng ẩn phải rút khỏi nhiều thị trường, bao gồm cả các thị trường tài trợ ngắn hạn cho ngân hàng, nguồn tài trợ cho các NH cũng suy giảm. Và bởi vì có quá ít sự minh bạch nên thường không rõ ai nợ hoặc sau này sẽ nợ cái gì với ai.
Nói tóm lại, các thực thể ngân hàng ẩn có đặc điểm là thiếu công khai và thiếu thông tin về giá trị tài sản của họ hoặc đôi khi chính tài sản họ có là gì cũng không biết; cơ cấu quản trị và sở hữu không rõ ràng giữa ngân hàng và ngân hàng ẩn; gần như không có cơ chế giám sát; hầu như không có vốn để hấp thụ lỗ; và thiếu khả năng tiếp cận với các nguồn hỗ trợ thanh khoản chính thức để giúp ngăn chặn tình trạng bán tháo.
... (Bài gốc vẫn còn 1 đoạn nữa, nhưng hơi mở rộng một tí nên thôi)